Sức khoẻ Đời Sống

Trầm cảm là gì? Thế giới trong mắt một người mắc bệnh trầm cảm

Ngày nay, xã hội bắt đầu nhắc nhiều về bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều những nhìn nhận sai lệch về trầm cảm, rằng đâu đó vẫn còn người buông ra đánh giá thiếu hiểu biết: “Bọn đó chỉ toàn một lũ yếu đuối thích ra vẻ chứ bệnh tật gì!”. Nhận thấy rằng một bài viết sẽ không có nhiều tác động to lớn, nhưng nếu bạn đã ghé thăm, xin bạn dành ra ít phút cùng chúng tôi tìm hiểu xem trầm cảm thực sự là gì? 

Bức tranh toàn cảnh về bệnh trầm cảm

Bất chấp việc trầm cảm đã xuất hiện từ rất lâu về trước, nhưng ở Việt Nam, căn bệnh này chỉ mới được “bàn tán” trong những năm gần đây. Nhiều người bắt đầu cởi mở và nghiêm túc nhìn nhận đây là căn bệnh thực sự, và những người mắc bệnh thực sự đang phải vật lộn với nó hằng ngày, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. 

Thực tế đã cho thấy, trầm cảm có thể đeo bám và dí sát cửa nhà của bất kỳ ai. Không phải chỉ có mỗi ở người trẻ vì “cảm xúc lúc nào cũng như đang đi tàu lượn”. Cũng không phải chỉ có người giỏi mới bị thế vì “họ suy nghĩ nhiều lắm”. Hay chỉ có “đám” người giàu mới bị chứ “dân nghèo lo cắm đầu mà làm thì có thời gian đâu nữa mà lo”. Trầm cảm nó không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, sung sướng hay đói khổ, nam hay nữ. Bất kỳ ai cũng có khả năng làm “con mồi” của nó.

Tuy nhiên, bệnh trầm cảm dưới góc nhìn của xã hội Việt Nam hiện nay vẫn chịu nhiều thành kiến. Bệnh trầm cảm bị xem như bệnh của kẻ điên, ai mắc phải đều là những kẻ tâm thần. Người ta sẽ dễ dàng bỏ qua lời kêu cứu của bệnh nhân và cho rằng “Đám đó chỉ có ra vẻ thôi”. 

Do đó, thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đọc có thêm một góc nhìn, một cách nghĩ về bệnh trầm cảm. Chúng ta sẽ cùng xem liệu những gì mà xã hội đang gán cho những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm liệu có công bằng hay không. 

trầm cảm là gì?

Bệnh trầm cảm là gì? Thế giới của người trầm cảm

Trầm cảm được xem như là một chứng rối loạn tâm thần và nó khá phổ biến. Thế giới của người trầm cảm tràn ngập năng lượng tiêu cực. Thứ năng lượng ấy từ từ phá hủy họ ở bên trong, họ dần mất hết khả năng nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan. Lâu dần, những suy nghĩ tiêu cực trở thành niềm tin của họ, chẳng hạn như: Mình đúng là sản phẩm lỗi của tự nhiên; Mình không nên tồn tại thì đúng hơn;…

Các triệu chứng hay thấy của bệnh trầm cảm có thể kể tên như: lòng tự tôn thấp, mất hết hứng thú với cuộc sống, cơ thể đau nhức nhưng không tìm thấy nguyên nhân, tâm trạng u buồn kéo dài liên tiếp trong vòng 2 tuần trở lên…

Thật không may, trong nhiều trường hợp, người thân của bệnh nhân thường thờ ơ và không tin vào sức tàn phá của nó. Chính vì thiếu vắng sự quan tâm và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, xã hội khiến bệnh càng trở nặng hơn. Càng tìm hiểu, chúng ta sẽ nhận ra vai trò của gia đình là cực kỳ quan trọng trong hành trình chữa lành của các bệnh nhân.

Trầm cảm có thể tái phái 

Đây cũng là một sự thật gây khó chịu khác. Trầm cảm có thể đến và rồi có thể quay lại gõ cửa một lần nữa. Nguyên do có thể giai đoạn trước chưa chữa trị hoàn toàn, nên các triệu chứng của bệnh tái phát. Hoặc cũng có trường hợp một giai đoạn trầm cảm mới xuất hiện. 

Bệnh càng tái phát nhiều lần thì sức phá hủy và công phá của nó càng lớn, để lại những hệ quả nghiêm trọng. Do đó, việc thăm khám sớm và hỗ trợ kịp thời là cực kỳ quan trọng.

Để cho dễ hình dung những cơn đau mà người mắc trầm cảm đang phải gánh chịu, các nhà nghiên cứu đã làm một bảng so sánh các mức độ trầm cảm khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về hậu quả mà nó mang lại:

Trầm cảm nhẹ tương đương với bị viêm khớp hông hoặc đầu gối. Trong khi rối loạn lo âu mức độ nhẹ cho tới vừa thì bệnh nhân phải chịu đớn đau tương đương nứt đốt sống. Ở trình trạng trầm cảm nặng hơn thì chẳng khác gì bị hen suyễn nặng, viêm gan B, đa xơ cứng. Nhưng khi đã bị trầm cảm nặng nề, người bệnh chịu cơn đau tương đương bị tổn thương não vĩnh viễn hay ung thư vú đã di căn. 

biểu hiệu của trầm cảm

Người bị bệnh trầm cảm sẽ có những biểu hiện như thế nào?

Người bị bệnh trầm cảm không phải chỉ cảm thấy buồn bã đơn thuần. Bên trong họ, những cảm xúc như trống rỗng, tuyệt vọng, kiệt sức, thấy bản thân thật kinh tởm như những con sâu đục khoét không ngừng. Những thứ ấy khiến người trầm cảm như bị rút cạn hết mọi nhựa sống ra khỏi cơ thể.  

Kết cuộc là những nạn nhân của căn bệnh mất hết hứng thú và động lực để có thể làm bất cứ điều gì. Nhiều người cho biết họ không muốn đi làm, không muốn ăn, không muốn thức dậy, và có trường hợp việc làm tổn thương bản thân lại là thứ duy nhất mà họ muốn làm. 

Vậy có thể thấy, triệu chứng của bệnh không phải được thể hiện qua cảm xúc, mà nó đến từ thái độ và cách nhìn nhận về bản thân và mọi vật xung quanh trong cuộc sống. Đối với người trầm cảm, họ thấy bản thân vô giá trị, tất cả mọi thứ trên thế gian đều vô nghĩa, họ tự oán trách tự trừng phạt bản thân. Có nhiều khi, triệu chứng còn thể hiện ra ngoài cơ thể vật lý như mất hết bị giác, mất ngủ dai dẳng, cơ thể lừ đừ mệt mỏi, run tay, ói mửa, thở gấp,…

Hơn nữa, càng nghiên cứu, người ta càng thấy trầm cảm được biểu hiện ra nhiều hình thức. Chẳng hạn như nhẹ thì tâm trạng buồn bã, đôi khi cáu bẳn, gắt gỏng lên. Nặng thì trở nên tuyệt vọng, nhiều khi tức giận đến mức hung hăng, nổi cơn thịnh nộ. Không chỉ dừng lại ở đó, cảm giác mất đi hứng thú với những thứ mình từng thích (mức độ nhẹ) cho đến hoàn toàn thơ ơ với mọi sự và đỉnh điểm là trở nên căm ghét những gì từng quen thuộc với mình nhất, đây là dấu hiệu của bệnh trầm cảm nặng. 

Nguyên nhân trầm cảm có thể đến từ đâu?

Vậy thì nguyên nhân trầm cảm là do đâu? Theo Aaron Beck, cha đẻ của phương pháp trị liệu hành vi, thì những trải nghiệm tiêu cực với cha mẹ hay người nuôi dưỡng chúng ta khi còn thơ ấu sẽ khiến chúng ta vô thức hình thành những niềm tin sai lệch. Chúng là những niềm tin tiêu cực, mang tính cứng nhắc và có phần cực đoan. 

Theo đó, những suy nghĩ tiêu cực có thể là “Mình là kẻ vô dụng” (nhìn nhận về bản thân) hoặc “Chả ai yêu mến mình cả, ai cũng ghét mình” (niềm tin đối với xã hội) và “Mọi thứ đều vô vọng” (nỗi ám ảnh về tương lai).

Vậy những chấn thương tâm lý thuở nhỏ nào có khả năng đẩy người ta vào tình trạng trầm cảm?

 

Thiếu vắng tình cảm từ cha mẹ

Thông thường, họ có cha mẹ không hoặc rất ít khi thể hiện tình cảm với con, họ cũng không có thói quen động viên và khen thưởng, công nhận khi con học tốt, hay đạt được một danh hiệu nào đó. Trước mặt con, họ là những người ưa mắng mỏ hoặc thờ ơ, lạnh lùng với trẻ. Hoặc một cách nặng nề, họ buông ra những lời nói đầy tổn thương rằng: “Biết thế tao không sinh ra mày!”, hay “Sao mày không biến mất đi!”. 

Hệ quả để lại thật nghiêm trọng, những đứa trẻ lớn lên nhưng không thể nào có thể xây dựng cho mình những mối quan hệ lành mạnh. Họ khao khát tình cảm và đôi khi điều đó trở thành điểm yếu của họ. 

nguyên nhân của trầm cảm

Bị buộc phải trưởng thành quá sớm

Hay tên gọi của hiện tượng này đó là “phụ huynh hóa”. Như nhân vật Kotaro trong phim “Kotaro Lives Alone”, trẻ từ nhỏ đã phải chăm lo, gánh vác thêm việc nhà hoặc kiếm tiền trang trải tài chính cho cả gia đình. Không chỉ lo cho bản thân, đôi khi trẻ còn phải thay cha mẹ chăm nom những đứa em, hay những thành viên khác trong nhà. 

Khi lớn lên, trẻ trở thành người khó tin tưởng vào người khác, có thói quen ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc. Họ cũng không biết cách làm thế nào để tận hưởng cũng như tìm niềm vui trong cuộc sống. Đến một lúc nào đó, họ trở nên kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. 

Bị bỏ mặc cho tự mình trưởng thành

Không như hiện tượng “phụ huynh hóa”, khi trẻ bị bỏ mặc điều đó có nghĩa bố mẹ hoặc người chăm sóc dường như không quan tâm và luôn muốn trẻ phải tránh xa mình. Trẻ bị bỏ mặc để muốn làm gì làm, bố mẹ không hề có ý định can dự vào cuộc sống đó. 

Do đó, trẻ lớn lên và không biết cách cư xử cho phải phép, khiến bản thân không thể nào xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Nếu không biết giữ mình, họ có thể sa ngã vào những tệ nạn xã hội. 

Bị bỏ mặc về cảm xúc

Biểu hiện thường thấy là trẻ bị bố mẹ kiểm soát quá mức, không được phép làm gì vượt qua ngoài ranh giới do họ định sẵn. Con không được khóc vì mẹ cho đó là yếu đuối, con không được yêu sớm vì bố cho đó là sai trái, con phải đưa điện thoại cho mẹ kiểm tra thường xuyên,…

Những đứa trẻ dần hình thành thói quen kìm nén những cảm xúc thật và khi lớn lên, họ sợ phải tìm kiếm sự trợ giúp. Hoặc một biểu hiện khác có thể thấy là họ không dám vượt ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm những điều mới mẻ. 

Bị xúc phạm hoặc hạ thấp bằng lời nói

Trẻ bị gọi bằng những từ ngữ xúc phạm, có ý hạ thấp nếu không làm vừa lòng cha mẹ. Những lời đó có thể là đang miệt thị về ngoại hình, tính cách của trẻ. Hay thấy ở cha mẹ Việt Nam đó là so sánh trẻ với “con nhà người ta”.

Bằng cách đó, trẻ đánh mất sự tự tin và ý thức mờ nhạt về giá trị của bản thân. Khi đó, những đứa trẻ lớn lên sẽ có thói quen luôn muốn làm vừa lòng người khác. 

Với những gì mà chúng tôi đã tổng hợp trên đây, hy vọng ít nhất những bạn đọc ở đây có thêm thông tin và góc nhìn đối với người bệnh trầm cảm. Ở một phương diện nào đó, họ là nạn nhân của sự bỏ mặc và thiếu thốn hơi ấm tình thương. Nếu có thể, hãy để học nắm bắt lấy cơ hội được cất tiếng gọi. Và hãy khuyên họ tìm đến sự trợ giúp từ các bác sĩ tâm lý nhé. 

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button